Theo số liệu thống kê từ cuốn Sách trắng Solidiance cho thấy, Việt Nam hiện có dân số 90 triệu người, nhưng mới chỉ có khoảng trên 40 công trình đạt chứng chỉ công trình xanh. Trong khi đó ở 1 số quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore,… số lượng công trình xanh lớn hơn nhiều (khoảng 1000).
Do đó, trong khuôn khổ buổi Hội thảo Triển lãm nghệ thuật và phương tiện nghe nhìn, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, tổ chức Fairventure (CHLB Đức) đã phối hợp cùng với Bộ Xây dựng, thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới thông qua diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về công trình xanh và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng. Đặc biệt là nhận thức của các chủ đầu tư xây dựng để xây dựng công trình xanh từ cơ sở hạ tầng.
Nâng cao nhận thức cho Việt Nam
Tại Việt Nam, hệ thống chứng nhận công trình xanh chỉ bắt đầu được đưa vào ứng dụng vào năm 2010, khi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam công bố các tiêu chí của bộ công cụ LOTUS, được nghiên cứu và phát triển dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như LEED và phù hợp với các điều kiện và đặc trưng của đất nước ta. Những bước đi đầu của LOTUS đã đặt nền tảng quan trọng để có thể tiếp tục áp dụng và triển khai các hoạt động xây dựng xanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên những rào cản chính chúng ta vẫn cần phải đối mặt khi phát triển thị trường xây dựng xanh là do nhận thức khá ít về xây dựng xanh và tâm lý quá nhạy cảm về chi phí cũng như các loại thuế áp cho giá điện thị trường còn thấp. Để có thể vượt qua những trở ngại này rất cần có những nỗ lực chung tay từ xã hội, toàn ngành và các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ để không những quảng bá các tiêu chuẩn này đến các cơ quan có thẩm quyền quyết định mà còn cần thiết lập một khung pháp lý cơ sở để căn cứ áp dụng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Wendy Werner, Giám đốc Bộ phận thương mại và cạnh tranh khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận định: “Ngành Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất ở Việt Nam, chiếm tới khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ giúp chủ công trình giảm chi phí vận hành khoảng 20%, đồng thời góp phần hướng Việt Nam vào tiến trình tăng trưởng kinh tế khí thải ít cacbon”.
Có thể thấy mối quan tâm và nhận thức của mọi người về công trình xanh đã tăng lên đáng kể trong giới học sinh, sinh viên và chuyên gia Việt Nam. Bên cạnh đó, tuy nhận thức trong cộng đồng giới xây dựng cũng đang ngày càng tăng, thì những hiểu lầm về chi phí thi công xây dựng công trình xanh vẫn còn đó. Vì vậy, không chỉ vấn đề nhận thức chung là trở ngại cho việc phát triển ngành, mà vấn đề nhận thức chính xác về các vấn đề xây dựng công trình xanh cũng cần được để tâm hơn.
Nhu cầu giảm chi phí
Các công trình xây dựng không nên chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư ban đầu, mà còn phải chú trọng đến chi phí vận hành lâu dài của công trình. Sử dụng những vật liệu và công nghệ xanh sẽ giúp thu hồi vốn đầu tư nhanh chóng từ những lợi ích kinh tế như chi phí tiền điện thấp hơn mà vẫn tăng năng suất làm việc.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng đã cho thấy ánh sáng tự nhiên và không khí sạch có thể làm tăng tinh thần làm việc của nhân viên và giảm tỷ lệ xin nghỉ, vắng mặt.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc tiết giảm chi phí dài lâu cho người sử dụng công trình không phải là ưu tiên hàng đầu của những nhà đầu tư trong quá trình xây dựng. Điều này đòi hỏi thị trường phải đề ra nhu cầu phát triển xanh và thiết lập một khung pháp lý phù hợp như Quy chuẩn xây dựng xanh và cần thực hiện các giải pháp khuyến khích để thúc đẩy ngành xây dựng xanh.
Theo ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Việc tổ chức những diễn đàn và hội thảo hay triển lãm đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng về công trình xanh và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng. Hỗ trợ rất hiệu quả cho việc tự nguyện thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Những thông tin tại triển lãm sẽ định hướng và hỗ trợ tích cực cho các chủ đầu tư và kiến trúc sư trong việc tìm kiếm các giải pháp năng lượng hiệu quả cho công trình”.
Khoản tiết kiệm chi phí vận hành chủ yếu là từ chi phí điện thấp. Tuy nhiên, nhu cầu giảm chi phí điện phần lớn chưa thực sự được chú ý nhiều tại Việt Nam khi các loại thuế điện của nước ta vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù Chính phủ đang dần chuyển hướng sang giá điện thị trường, nhưng vẫn cần có thời gian mới có thể giảm áp lực lạm phát cũng như các tác động đang có lên những người tiêu dùng thu nhập thấp và lên chi phí sản xuất. Thời gian gần đây, giá điện đã tăng, nhiều người cũng cảm thấy cần phải tìm cách để có thể tiết kiệm điện bằng việc lựa chọn sử dụng các công trình xây dựng xanh.
Cơ hội phát triển
Với nhu cầu đạt chi phí vận hành thấp nhưng vẫn tuân thủ theo các quy định chung của tổ chức, ngành công nghiệp chiếm khoảng hơn 40% các công trình xanh đạt chứng nhận tại Việt Nam.
Các công trình trong ngành nhà hàng, khách sạn và các công trình thương mại có mức tăng cao nhất trong số các dự án đã áp dụng. Trong đó, khối ngành nhà hàng, khách sạn cần có chi phí vận hành thấp hơn cùng một hình ảnh thân thiện với môi trường. Trong khi đó, các công trình văn phòng đang hướng đến trở thành công trình xanh để có đưa ra mức giá cho thuê cao hơn cũng có thể khác biệt với các công trình khác trong một thị trường hiện đang dư thừa diện tích văn phòng ngay tại thành phố trung tâm của nước ta là TP.HCM và Hà Nội.
Ông Poul Kristensen, chuyên gia trong lĩnh vực công trình xanh nhấn mạnh rằng, tiết kiệm chi phí trong sử dụng năng lượng các tòa nhà không có cách nào khác ngoài việc thúc đẩy hiệu quả năng lượng và giải pháp thiết kế xanh cho công trình. Thông qua bốn hoạt động chinh đó là: Tăng cường nhận thức, chia sẻ kiến thức, Xây dựng cộng đồng, và truyền thông nhà xanh.
Đối với nhu cầu phát triển vượt trên các nhu cầu trong ngành, sẽ yêu cầu không chỉ nâng cao nhận thức mà còn cần hiểu rõ chính xác về chi phí và lợi ích của công trình xanh. Bên cạnh đó Chính phủ cũng cần có những hành động cụ thể về vấn đề giá điện thị trường trong khi vẫn khuyến khích phát triển ngành xây dựng xanh qua các biện pháp khuyến khích và các quy chuẩn xây dựng. Sự xuất hiện của LOTUS và những mối quan tâm của các kiến trúc sư và nhà thầu trong nước đã đang là những thành tố giúp ngành xây dựng xanh có cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới.
Theo Báo Xây dựng điện tử
Leave A Comment